Đồng sơn là kỹ thuật được áp dụng giúp sửa chữa, phục hồi lớp vỏ bên ngoài của ô tô trở về trạng thái như ban đầu khi xe bị trầy xước nặng hoặc lớp sơn đã xuống cấp. Cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết về đồng sơn ô tô và chi phí đồng sơn qua bài viết sau đây nhé!
Làm đồng sơn ô tô là gì?
Đồng sơn ô tô là một quá trình kết hợp giữa 2 giai đoạn gồm: làm đồng và làm sơn. Đồng sơn nhằm mục đích sửa chữa và giúp lấy lại diện mạo, hình dáng ban đầu của một bộ phận hoặc toàn bộ vỏ xe ô tô.
Một quá trình đồng sơn chuyên nghiệp sẽ trải qua 2 giai đoạn chính, bao gồm:
- Làm đồng: Là các bước gò, chà, nắn kéo,… giúp phần vỏ ô tô trở lại hình dạng ban đầu.
- Làm sơn: Can thiệp vào từng lớp sơn, từng chi tiết nhỏ để đem lại màu sơn chuẩn xác, có độ mịn và bóng như sơn gốc.
Khi nào xe ô tô nên làm đồng sơn?
Đối với các loại xe ô tô mới, đang trong quá trình sản xuất, đồng sơn là bước hoàn thiện cuối cùng giúp chiếc xe đạt được màu sắc bắt mắt và sáng bóng nhất.
Đối với các xe ô tô đã qua sử dụng, kỹ thuật đồng sơn giúp khắc phục các vết trầy xước, móp méo, gỉ sét trên bề mặt vỏ xe, cũng như phục hồi lớp sơn cũ như ban đầu.
Chi phí đồng sơn ô tô bao nhiêu?
Thông thường, chi phí trung bình cho việc đồng sơn ô tô dao động từ 12 – 15 triệu đồng. Trong đó, đối với các mẫu xe sử dụng sơn cao cấp, chất lượng cao hơn nên giá sẽ dao động từ 15 – 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, chi phí đồng sơn cũng sẽ tùy thuộc nhiều vào màu sắc, kích thước xe. Đối với các mẫu xe nhỏ gọn như Hatchback, giá đồng sơn sẽ rẻ hơn so với Sedan và SUV.
Ngoài ra, nếu xe bị móp méo nặng hoặc chủ xe có nhu cầu sơn các màu sắc đặc biệt, có các hiệu ứng bắt mắt thì giá thành đồng sơn cũng sẽ cao hơn.
Các giai đoạn của quy trình đồng sơn ô tô chuyên nghiệp
Một quy trình đồng sơn ô tô chuẩn chuyên nghiệp sẽ trải qua tổng cộng 3 giai đoạn chính, bao gồm: làm đồng, xác định màu sơn và pha sơn, sơn xe.
Giai đoạn 1: Làm đồng
Sau khi tiếp nhận xe, người thợ sẽ tiến hành rửa và lau sạch các vị trí cần đồng sơn. Sau đó, tùy vào tình trạng của vỏ xe mà tiến hành các phương pháp xử lý sau đây:
- Nếu vỏ xe bị trầy xước, móp méo nhẹ: Dùng máy để sấy cho nhựa chảy ra ở khu vực lõm rồi đắp nhựa để tạo hình.
- Nếu vỏ xe bị trầy xước, móp méo nặng: Chà nhám cho tới lõi kim loại và dùng máy giật để đưa vỏ xe trở về hình dạng ban đầu.
Giai đoạn 2: Xác định màu sơn và pha sơn
Bước 1: Tra mã màu
Người thợ sẽ tiến hành so sánh màu chiếc xe cần đồng sơn với tập thẻ màu của loại xe đó và chọn ra thẻ tương thích.
Đối với những mẫu xe có nhiều tông màu khác nhau, các hãng sơn cũng sẽ có những bộ thẻ màu ứng với từng bộ phận khác nhau trên xe.
Bước 2: Xác định khối lượng sơn và phẩm chất màu sơn xe
Những người thợ sơn sẽ xác định diện tích bề mặt cần sơn để tính ra lượng sơn cần thiết dựa vào barem định lượng do các hãng sơn cung cấp.
Bảng tính định lượng này sẽ ứng với từng bộ phận của xe như: thân, vỏ, khung, sườn của các loại xe khác nhau. Ví dụ sơn toàn bộ chiếc sedan Mondeo V6 cần 4 kg sơn, còn nếu sơn riêng 4 cánh cửa sẽ dùng hết 0,3 kg.
Bên cạnh đó, người thợ sơn cũng sẽ đánh giá những phẩm chất thực của màu sơn xe trên từng module như: độ bạc nhiệt (nắp khoang hành lý, nắp ca-pô, mui xe…), bạc gió (mũi xe, cản trước, lưng gương,…), độ xuống màu chung theo thời gian sử dụng,…
Điều này sẽ góp phần vào quá trình điều chỉnh công thức lúc pha sơn cho hợp lý, giúp tạo mảng màu mới trùng hoàn toàn với thân xe cũ.
Bước 3: Kỹ thuật pha sơn
Đối với các cơ sở đồng sơn ô tô chuyên nghiệp, sở hữu máy móc hiện đại, quá trình pha sơn có thể đạt độ chính xác gần như tuyệt đối so với màu sơn gốc. Trong đó, phần mềm máy tính sẽ dựa vào khối lượng tổng, màu sơn được nhập vào để cho ra công thức pha màu chuẩn nhất.
Đối với các mã màu trên các mẫu xe phổ biến hiện nay, quá trình này sẽ đơn giản hơn rất nhiều bởi chúng được pha nhiều lần. Trong khi đó, đối với các dòng xe cũ hơn hoặc khi khách hàng muốn đổi sang màu khác với sơn gốc, quy trình pha sơn sẽ tốn nhiều thời gian hơn.
Bước 4: Xử lý thông tin màu sơn, váng và đông kết
Sau khi các dữ liệu đưa vào đã được máy tính xử lý, những thông tin về thành phần của màu sơn sẽ được chia thành 3 cột gồm: tên màu sơn, mã màu, khối lượng cần dùng.
Người thợ sơn sẽ căn cứ vào các chỉ dẫn của máy tính cũng như dựa vào kinh nghiệm của bản thân để tiến hành pha sơn một cách chính xác nhất.
Bước 5: Hoàn thành mẫu sơn trùng với độ bạc màu xe cũ
Sử dụng một hộp rỗng sạch lên cân điện tử, rót các màu sơn theo đúng khối lượng trong chỉ dẫn. Sau đó, rót lượng sơn vừa pha được vào mấy khuấy tự động.
Ngoài ra, trong các trường hợp chỉ sơn một bộ phận trên xe, người thợ có thể gia giảm một số thành phần cho màu sơn mới pha trùng với độ bạc màu của xe cũ.
Giai đoạn 3: Tiến hành sơn xe ô tô
Sau khi hoàn thành làm đồng và pha sơn. Các bộ phận và chi tiết cần sửa chữa sẽ được đưa vào sơn với quy trình 14 bước tỉ mỉ gồm:
- Bước 1: Vệ sinh, tẩy sét.
- Bước 2: Chà nhám.
- Bước 3: Sơn lót chống ăn mòn.
- Bước 4: Trét đắp Matit, sấy hồng ngoại.
- Bước 5: Chà nhám Matit.
- Bước 6: Lau bề mặt, che chắn.
- Bước 7: Phun sơn lót, sấy khô.
- Bước 8: Chà nhám sơn lót.
- Bước 9: Lau bề mặt, che chắn.
- Bước 10: Phun màu, chờ khô.
- Bước 11: Phun dầu bóng, sấy khô.
- Bước 12: Đánh bóng, kiểm tra độ mịn và động bóng của sơn bằng ánh sáng tự nhiên.
- Bước 13: Rửa xe.
- Bước 14: Giao xe.
*Lưu ý: Trước khi sơn, cần làm khô, sạch phần vỏ xe định sơn, đồng thời che chắn các chi tiết xung quanh vùng sơn nếu chúng khác màu, dán băng keo che các nẹp mạ, mặt kính (với những chi tiết khó che chắn có thể quét phủ lên chúng một lớp mỡ loãng.